Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Nam Ngạn  - TP.Thanh Hóa
 Điều kiện tự nhiên:

+ Vị trí địa lý:

Phường Nam Ngạn nằm ở phía Đông Bắc thành phố Thanh Hoá, có diện tích tự nhiên là 257 ha = 2,57 km2.

Phía Đông Bắc giáp: Xã Hoằng Long và xã Hoằng Quang (qua sông Mã)

Phía Tây Bắc giáp: phường Hàm Rồng và phường Đông Thọ

Phía Đông Nam giáp: Phường Đông Hải  và phường Đông Hương (Qua Kênh Vinh)

Phía Tây Nam giáp: phường Trường Thi (qua sông Thọ Hạc)

+ Địa hình:

Phường Nam Ngạn được bao bọc bởi 3 con sông: phía Đông Bắc là sông Mã, phía Đông Nam là Kênh Vinh và phía Tây Nam là sông Thọ Hạc.

Địa bàn phường có tuyến đường Quốc lộ 1B chạy qua.

+ Dân cư: Phường có 14.459 khẩu (số liệu tháng 12/2020).

+ Đơn vị hành chính trực thuộc: Phường có 11 tổ dân phố gồm: Nam Ngạn 1, Nam Ngạn 2, Tân Nam, Hưng Hà, Tiền Phong, Thống Sơn, Tân Sơn, Nguyễn Mộng Tuân 1, Nguyễn Mộng Tuân 2, Nam Sơn 1, Nam Sơn 2.

Untitled.jpg
Công sở phường Nam Ngạn


 Lịch sử, truyền thống văn hóa:

- Quá trình hình thành và phát triển:

Trước cách mạng tháng Tám (1945), phường Nam Ngạn gồm làng Nam Ngạn và một xóm của làng Hương Bào Nội, một xóm của làng Đức Thọ Vạn và ấp Văn Tập, các làng và ấp này đều thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau cách mạng tháng Tám đến giữa năm 1946, thuộc xã Nam Sơn Thọ và từ năm 1946 đến năm 1954 thuộc xã Đông Thọ, đều thuộc huyện Đông Sơn. Từ cuối năm 1954, xã Đông Thọ chia thành hai xã là Đông Thọ và Đông Giang, Nam Ngạn thuộc xã Đông Giang.

Năm 1963, xã Đông Giang sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa và thành lập tiểu khu Nam Ngạn trên cơ sở phần còn lại của xã Đông Giang. Tháng 8 năm 1981, cùng với các tiểu khu khác, tiểu khu Nam Ngạn trở thành phường Nam Ngạn.

Tháng 6 năm 1994, phường Nam Ngạn được tách thành phường Nam Ngạn và phường Trường Thi.

- Kháng chiến chống Pháp:

Nhân dân Nam Ngạn hăng hái tham gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Nhiều thanh niên hăng hái lên đường tòng quân, tham gia dân công phục vụ các chiến trường và các chiến dịch lớn. Nhiều gia đình dùng thuyền vận tải chở lương thực, thực phẩm phục vụ cho các chiến dịch: Thượng Lào, Hòa Bình, Hà Nam Ninh… Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Nam Ngạn đã đóng góp hàng trăm lượt dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược ra chiến trường.

- Chiến tranh chống Mỹ:

Kỳ tích bắn rơi 47 chiếc máy bay hiện đại của Mỹ trong 2 ngày 3 - 4/4/1965 có đóng góp không nhỏ của quân và dân phường Nam Ngạn.Trong trận chiến đấu đó, chị Ngô Thị Tuyển và đại đội dân quân Nam Ngạn đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 14/6/1972 trên đoạn đê Sông Mã thuộc địa phận 2 làng Nam Ngạn và Hàm Rồng, hàng trăm dân công và giáo viên, sinh viên trường 7+3, trường trung cấp Y Thanh Hóa đã hy sinh do bom Mỹ trong quá trình đắp đê... Đài tưởng niệm đã được xây dựng tại nơi đây để tưởng nhớ những liệt sỹ đã ngã xuống.

Nhân dân Nam Ngạn đã phải chịu những thiệt hại rất to lớn trong chiến tranh chống Mỹ. 02 lần bị máy bay B52 rải thảm, 06 lần bị pháo kích từ biển vào, tổng cộng đã có 3.550 quả bom các loại, trong đó có 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm, hàng ngàn quả bom bi, đạn rốc két và các loại bom đạn khác; làm cho hàng trăm người chết, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, hàng chục mẫu ruộng biến thành hố bom, bình quân mỗi người dân Nam Ngạn phải hứng chịu 13 quả bom.

- Sau năm 1975

Quá trình khắc phục khó khăn sau chiến tranh ác liệt, xây dựng lại quê hương của nhân dân Nam Ngạn đã đạt được những thành tựu to lớn. Đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ngày càng phát triển khởi sắc. Nhiều dự án, công trình triển khai trên địa bàn phường đem lại bộ mặt đô thị ngày càng thay đổi tích cực. Phường đã được công nhận là phường văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, phường đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Tháng 9/1999 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân phường Nam Ngạn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2011, 2012, phường Nam Ngạn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2018 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Nhiều năm liền được nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được nhận bằng khen của Bộ Công an, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, giấy khen của Thành ủy thành phố Thanh Hóa và giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa.

5. Di tích, danh thắng:

* Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (Nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn): Là nghĩa trang liệt sỹ của Tỉnh Thanh Hóa nằm trên địa bàn phường.

* Cụm di tích lịch sử - văn hóa phường Nam Ngạn: Được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 1921/VHQĐ ngày 06/11/1989, gồm:

- Chùa Mật Đa: Nằm trên địa bàn phố Nam Ngạn 2 (phường Nam Ngạn) ngày nay. Đây là ngôi chùa có từ lâu đời, dựng năm Bảo Thái thứ 4 (1723) thời Hậu Lê, trùng tu năm Mậu Thìn (1928) đời Vua Bảo Đại thứ 3, và lần trùng tu tôn tạo gần đây nhất là vào năm 2010. Các hiện vật thờ cúng trong chùa còn nguyên vẹn mang đậm dấu ấn của Tam giáo đồng nguyên, hiện nay Chùa còn lưu giữ một số di vật thời Hậu Lê.

11.png

Chùa Mật Đa, phường Nam Ngạn

 - Đền thờ Chu Văn Lương: Nằm trên địa bàn phố Nam Ngạn 4 (phường Nam Ngạn) ngày nay. Đây là nơi thờ cúng vị thành hoàng của làng là Quan đốc học liệt hầu Đồng bình chương sự Chu Văn Lương - người có công lập làng Nam Ngạn vào thế kỷ XIII, đồng thời cũng là địa điểm hội họp của dân làng thuở xưa. Trước kia đình nằm ở khu đất sát đê Sông Mã, đến đời vua Tự Đức (1847 - 1883) đền được rời về vị trí ngày nay. Từ đó đến nay cũng đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lần gần nhất là vào năm 2009. Hiện nay ở đây vẫn duy trì được một năm 02 lần tổ chức lễ hội vào dịp kỷ niệm ngày sinh và lễ xuất quân (18/2 âm lịch), và ngày mất (12/9 âm lịch) của thành hoàng làng Chu Văn Lương.

13.jpg
Đền thờ Chu Văn Lương

- Nhà tưởng niệm Liệt sỹ: Được xây dựng vào năm 1997 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7), gồm nhà truyền thống trưng bày các hình ảnh, hiện vật về cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Nam Ngạn và bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ quê hương Nam Ngạn đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

- Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng: Được dựng từ năm 1965 do một nhóm làm tượng của các giảng viên, sinh viên hai trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội thực hiện. Di tích này nằm trong khuôn viên cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

* Chùa Hương Quang (chùa Tranh):

Nằm trên địa bàn phố Tân Hưng (phường Nam Ngạn) ngày nay. Chùa được xây dựng từ lâu đời, đến thời Vua Tự Đức năm thứ mười (1857) cho đúc chuông đồng và dựng bia ghi lại việc đúc chuông. Từ đó đến nay trải qua nhiều lần trung tu, tôn tạo, lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 2009. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh theo Quyết định số 30/VHQĐ ngày 02/7/1991 của Sở văn hóa thông tin Tỉnh Thanh Hóa.

* Nhà truyền thống dân quân Nam Ngạn:

Nằm trên địa bàn phố Tân Nam (phường Nam Ngạn). Là một căn nhà với kiến trúc bốn mái, rộng rãi, khang trang, được xây dựng từ năm 2009 đến năm 2011 hoàn thành đưa vào sử dụng, từ nguồn đầu tư của Tổng công ty dầu khí Việt Nam. Đây là nơi sinh hoạt của Cựu Đại đội dân quân Nam Ngạn anh hùng, nhất là vào dịp kỷ niệm Hàm Rồng - Nam Ngạn chiến thắng (03,4/4), ngoài ra đây cũng là nơi tổ chức một số hoạt động sinh hoạt cộng đồng của nhân dân tổ dân phố Tân Nam.

 Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiêu biểu:

* Công ty TNHH Mai Linh - Thanh Hóa:

Địa chỉ: 318 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Ngành nghề kinh doanh chính: Vận tải hành khách và kinh doanh tắc xi.

* Tổng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Miền Trung:

Địa chỉ: 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Ngành nghề kinh doanh chính: Xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, thương mại.

* Công ty cổ phần quản lý đường thủy nội địa và xây dựng công trình giao thông Thanh Hóa

Địa chỉ: 320 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Ngành nghề kinh doanh chính: Xây dựng, sửa chữa công trình đường thủy nội địa

* Công Ty Cổ Phần Điện Lực Hà Nội

Địa chỉ: 47 Nam Sơn, Phường Nam Ngạn, Thành phố Thanh Hoá, Thanh Hoá.

Ngành nghề kinh doanh chính: Xây dựng công trình điện.

* Công Ty TNHH Thái Toàn Hưng

Địa chỉ: 27 Dương Vân Nga, Phường Nam Ngạn, Thành phố Thanh Hoá, Thanh Hoá.

Ngành nghề kinh doanh chính: Dịch vụ in ấn.

* Trung tâm viễn thông Bắc thành phố Thanh Hóa

Địa chỉ: 196 Trần Hưng Đạo, Phường Nam Ngạn, Thành phố Thanh Hoá, Thanh Hoá.

Ngành nghề kinh doanh chính: Hoạt động viễn thông.

6. Các cơ quan, công sở hành chính, trường học, bệnh viện:

* Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa:

Địa chỉ: 322 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.

Chức năng, nhiệm vụ: Cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng. Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

* Trường THCS Nam Ngạn:

Địa chỉ: Đường Phạm Sư Mạnh, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Chức năng, nhiệm vụ: Là trường công lập, đào tạo học sinh thuộc các lớp từ lớp 6 đến lớp 9 theo hệ thống giáo dục phổ thông.

* Trường TH Nguyễn Bá Ngọc:

Địa chỉ: Đường Trần Khánh Dư, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Chức năng, nhiệm vụ: Là trường công lập, đào tạo học sinh thuộc các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 theo hệ thống giáo dục phổ thông.

* Trường TH Nam Ngạn:

Địa chỉ: Ngõ chùa Mật Đa, phố Nam Ngạn 2, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Chức năng, nhiệm vụ: Là trường công lập, đào tạo học sinh thuộc các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 theo hệ thống giáo dục phổ thông.

* Trường Mầm non Nam Ngạn:

Địa chỉ: Ngõ chùa Mật Đa, phố Nam Ngạn 2, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa

Chức năng, nhiệm vụ: Là trường công lập, đào tạo học sinh thuộc các lớp nhà trẻ, mẫu giáo theo hệ thống giáo dục phổ thông.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
51
Hôm qua:
137
Tuần này:
1446
Tháng này:
4167
Tất cả:
351215

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289